Trong lúc các cơ quan chức năng đều khuyến cáo người dân hạn chế đến chỗ đông người, các bà nội trợ đã nghĩ ngay đến việc tích trữ thực phẩm dùng dần để tránh việc thường xuyên phải tới siêu thị mua sắm.
Nhưng khi mua về một lượng lớn thực phẩm các loại thì việc bảo quản chúng trở thành vấn đề không nhỏ. Vậy làm thế nào để bảo quản các loại thực phẩm sao cho thức ăn tươi ngon lâu hơn mà vẫn giữ trọn vẹn chất dinh dưỡng? Sau đây là những mẹ hay ho các bà nội trợ nên học hỏi ngay.
Thịt
Những loại này khi mua về nên giữ nguyên bao bì nếu bạn mua ở siêu thị. Nếu mua ở chợ, hãy bảo quản riêng bằng hộp đựng thức ăn chuyên chứa thịt và nên sử dụng hết trong khoảng 2 ngày.
Nếu muốn giữ thịt tươi sống lâu hơn, hãy cất thịt vào ngăn đông lạnh, bao bọc thịt thật kỹ để chúng luôn được tươi ngon, quan trọng hơn là để tránh nguy cơ bị lây nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Bạn có thể sử dụng màng nhựa để bọc thực phẩm hoặc lấy giấy bạc thường được sử dụng để bọc kín các loại thịt.
Tuy nhiên, nếu cho thịt vào ngăn đông lạnh, bạn cần nhớ bọc nhiều lớp. Điều này sẽ tránh việc thực phẩm tươi sống bị đông đá quá mức, mất đi mùi vị thơm ngon vốn có. Nó cũng giúp bạn rã đông nhanh hơn nữa. Với các loại thịt đông khi sử dụng, bạn không nên rã đông ở nhiệt độ phòng mà nên có kế hoạch trước và để cho thịt tan băng ở ngăn mát của tủ lạnh.
Bạn có thể sử dụng các loại tủ có tính năng cấp đông mềm để bảo quản các loại thịt cần sử dụng trong thời gian ngắn. Khi để ở -1 độ C, thực phẩm sẽ có một lớp băng mỏng bên ngoài, không bị đông đá bên trong, nhờ đó người dùng có thể thái cắt dễ dàng mà không tốn nhiều công sức rã đông, giúp giảm thiểu đáng kể thời gian và quy trình chuẩn bị bữa ăn.
Cá, hải sản
Các loại cá và hải sản như cá, tôm, nghêu, sò… thường có mùi tanh đặc trưng, vì thế để tránh ảnh hưởng mùi sang các thực phẩm khác trong tủ lạnh, bạn nên bọc màng thực phẩm rồi mới cho vào hộp kín. Ngoài ra, sau khi làm cá xong bạn có thể pha loãng giấm và đổ trực tiếp lên mình cá. Như vậy cũng sẽ hạn chế được mùi tanh của cá phần nào. Một bí quyết khác là luộc cá trước khi cho vào ngăn mát cũng giúp cá không bị bốc mùi tanh và không mất các chất dinh dưỡng đấy.
Nên đóng gói cá thành các phần nhỏ hơn vừa với 1 lần chế biến. Dùng túi bảo quản thực phẩm hoặc bịch nylon an toàn để phân chia cá thành các phần nhỏ, tránh trường hợp phải rã đông toàn bộ khối thịt cá lớn và dùng không hết, lúc này nếu bảo quản lại thì cá không còn an toàn nữa.
Trứng
Trứng cần được giữ nguyên trong hộp hoặc đặt vào kệ đựng trứng chuyên dụng trong tủ lạnh. 1 mẹo nhỏ khi bảo quản trứng trong tủ lạnh là bạn đặt đứng trứng lên khay, theo chiều đầu to hướng lên trên, sẽ giúp trứng tươi lâu hơn.
Đóng trứng trong khay đá: Đôi khi chúng ta không thể sử dụng hết trứng khi chúng còn tươi hoặc chúng ta chỉ sử dụng phần lòng trắng. Đừng lo lắng, chúng cũng có thể trữ đông. Đập vỡ vỏ trứng cho đổ vào khay, thêm một ít muối hoặc đường. Sau đó, bạn chỉ cần lấy ra sử dụng khi cần.
Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa là loại dễ hấp thụ mùi vị của những thực phẩm khác. Do đó, không nên để sữa gần với các loại thực phẩm có mùi mạnh. Cách tốt nhất là giữ nguyên bao bì của chúng hoặc cho vào hộp có nắp đậy kín rồi đặt vào ngăn mát của tủ lạnh.
Ngoài ra, sữa rất dễ nhiễm khuẩn và lên men nếu bạn không bảo quản kĩ. Vì thế, hãy sử dụng hết sữa nếu đã mở nắp hoặc cho lượng sữa thừa vào hộp kín, rồi để vào ngăn mát tủ lạnh và uống hết trong 24 tiếng để đảm bảo các chất dinh dưỡng không bị mất đi.
Để pho mát, sữa chua, kem tươi, sữa và các chế phẩm khác từ sữa nguyên trong hộp khi cất vào tủ lạnh. Tuy vậy, sau khi sữa, kem tươi khui hộp mà không dùng hết, thay vì để nguyên lại vào tủ lạnh, bạn nên đổ ra một chai thủy tinh sạch, đóng kín nắp rồi mới lưu trữ lại. Đối với bơ hoặc pho mát còn thừa nên bọc lại bằng giấy sáp hoặc giấy bạc rồi mới đem bảo quản trong tủ.
Cách trữ sữa trong vài tuần: Sữa tươi cũng có thể trữ đông đấy, bạn biết chưa? Có thể để đông lạnh sữa trong vòng 4 đến 6 tuần.
Rau củ
Khi mua rau về, bạn nên cắt bỏ và nhặt bớt các lá sâu và hư nhưng không được ngâm rửa mà nên bỏ ngay vào túi zip hoặc hộp đựng có lót giấy để đảm bảo rau không bị ẩm ướt, vì môi trường ẩm và lạnh có thẩy gây héo, úng và dập nát rau. Do đó, với cách bảo quản thực phẩm tươi sống trên thì bạn có thể trữ rau trong khoảng 2 tuần, hãy cố gắng chế biến và dùng càng sớm càng tốt nhé.
Hãy để các loại rau củ nặng hơn như cà rốt, su hào, bắp cải… xuống dưới, sau đó để các loại rau ăn lá lên trên. Nếu thấy rau quá bẩn, bạn có thể rửa sạch, để khô nước (thấm bằng giấy ăn) trước khi cho vào tủ.
Vài mẹo hữu ích cho bạn:
– Bọc rau trong khăn giấy là một gợi ý tuyệt vời nếu bạn muốn rau tươi ngon được lâu. Xà lách sẽ vẫn tươi ngon trong một tuần nếu bạn quấn nó trong một chiếc khăn giấy trước khi cho vào tủ lạnh. Độ ẩm sẽ ngấm vào khăn giấy và không để cho lá khô héo.
– Cất cà rốt trong thùng cát làm giảm bốc hơi nước và chậm sự thối rữa của chúng.
– Hành lá có thể tươi lâu hơn nếu bạn trồng trong bình chứa đầy nước. Cắt phần hành lá phía trên để sử dụng, còn lại chúng vẫn sẽ tiếp tục phát triển.
– Ít ai ngờ rau xanh tươi lâu nhất khi đựng trong bình thủy tinh. Hành, tỏi, hoặc rau mùi tây sẽ giữ hương vị của họ trong một tháng khi được lưu trữ như thế này. Các loại rau xanh khác sẽ chậm hư hỏng, khô héo, hoặc ít biến chất và hương vị.
Hoa quả
Các loaị trái cây mọng nước (cam, dâu, nho, đào,…) rất dễ bị mềm, úng và rỉ nước nếu bạn bảo quản không đúng cách. Đầu tiên bạn nên lót bên dưới hộp hoặc túi zip 1 lớp khăn giấy có khả năng hút ẩm tốt, trước khi cho những loại trái cây trên vào tủ lạnh để giữ chúng luôn khô ráo và tươi ngon. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra và loại bỏ ngay những trái hỏng, dập nát để tránh việc ảnh hưởng đến độ ẩm và làm hỏng các trái bên cạnh.
Hãy bảo quản trái cây và rau quả một cách riêng biệt, nếu không rau sẽ hấp thụ khí ethylene thải ra từ một số loại trái cây và sẽ bị hư hỏng sớm. Tốt hơn là đặt rau và hoa quả trong các ngăn riêng biệt được cung cấp.
Đối với một số loại trái cây thải ra khí ethylene như chuối, bơ, đào, mơ… không cần phải được bảo quản trong tủ lạnh bởi chúng sẽ khiến thực phẩm gần đó chín hoặc nhanh hỏng hơn. Điều này cũng đúng với một số loại rau củ như khoai tây, hành tây, tỏi, cà chua, bí ngô… chúng sẽ để được lâu hơn nên lưu trữ ở nhiệt độ phòng.
Các sản phẩm khô
Không cần phải lưu trữ các sản phẩm khô trong tủ lạnh vì độ ẩm sẽ làm hỏng độ giòn của thực phẩm. Nếu có lưu trữ hãy để các sản phẩm khô vào bình chứa kín và khô ráo.
Với thịt, cá và hải sản khô: sau khi mua bạn nên kiểm tra, nếu còn ẩm bạn nên phơi thêm 1-2 nắng để khô hoàn toàn. Sau đó tốt nhất là bạn bọc bằng các túi nylon kín hoặc hộp có nắp rồi bảo quản trong ngăn đông của tủ lạnh.
Thức ăn thừa
Lưu trữ tất cả các thức ăn thừa trong hộp, túi kín. Bạn nên lưu trữ thức ăn thừa vào tủ lạnh trong vòng 2 giờ sau khi nấu ăn. Đừng lo lắng khi cất đồ ăn vào tủ lạnh khi chúng còn chưa nguội hẳn vì những loại tủ lạnh hiện đại ngày nay hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề đó mà không bị ảnh hưởng máy móc nhiều lắm.
Với những loại nước đóng lon thì không nên cất tủ lạnh khi không dùng hết. Một khi được mở ra, mùi của kim loại trên vành nắp rất dễ xâm nhập vào các loại thực phẩm.
Thức ăn cho bé
Thức ăn cho bé khi bảo quản trong tủ lạnh phải đựng trong hộp chứa riêng biệt hoặc các khay trữ đồ ăn dặm, có nắp đậy kín. Các thực phẩm trữ ở ngăn mát (từ 1 – 3 độ C) phải dùng hết trong thời gian 1 – 2 ngày. Trữ ở ngăn đá (dưới -17 độ C) thì dùng trong vòng 1 tuần để đảm bảo giữ được trọn vẹn chất dinh dưỡng và độ tươi ngon.
Nên dành một khoảng không gian riêng trong tủ lạnh để trữ thức ăn cho bé. Vì nếu để gần thịt cá tươi sống, rau củ quả chưa rửa hay thức ăn của người lớn đã qua chế biến có thể gây ra nhiễm khuẩn và khiến trẻ bị bệnh.